Việc lưỡi nổi hạt trắng có thể gây cảm giác đau rát và ảnh hưởng tới việc ăn uống, nhưng thường không đáng lo ngại. Tuy vậy, để điều trị hiệu quả và chăm sóc răng miệng tốt hơn, bạn cần hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này.
Nếu bạn gặp tình trạng lưỡi nổi hạt trắng trên mặt trên, mặt dưới, hoặc xung quanh lưỡi, hãy tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp khắc phục phù hợp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ “thủ phạm” và cách điều trị những nguyên nhân phổ biến khiến lưỡi bị mọc mụn trắng.
Điểm mặt 8 nguyên nhân khiến lưỡi nổi hạt trắng
Bề mặt lưỡi thường không trơn mịn, mà có nhiều nhú và nụ vị giác. Đôi khi, lưỡi cũng có thể bị nổi thêm các hạt trắng gây đau rát và khó khăn trong việc ăn uống. Tuy nhiên, thông thường, đây không phải là dấu hiệu đáng lo. Dưới đây là một số nguyên nhân gây lưỡi nổi hạt trắng phổ biến:
1.1. Nhiệt miệng
Tình trạng nhiệt miệng có thể khiến niêm mạc miệng xuất hiện những vết loét nhỏ. Những vết loét này thường có màu trắng hoặc hơi vàng, và thường có viền màu đỏ. Vết loét do nhiệt miệng có thể xuất hiện trên lưỡi, môi, má trong, hoặc thậm chí là sàn vòm miệng.
1.2. Loét lạnh
Loét lạnh, hay còn gọi là mụn rộp, là những mụn nước chứa dịch lỏng do virus herpes simplex (HSV-1) gây ra. Loại loét này thường xuất hiện trên môi, nhưng cũng có thể xuất hiện trên lưỡi, khiến lưỡi trông như bị nổi hạt trắng. Tình trạng này rất dễ lây lan qua nước bọt hoặc tiếp xúc gần với vết thương.
1.3. Lưỡi bản đồ
Tên lưỡi bản đồ bắt nguồn từ việc tình trạng này khiến lưỡi người mắc bệnh xuất hiện các mảng có hình dáng giống bản đồ. Khi gặp tình trạng này, lưỡi người bệnh sẽ có mảng đỏ hoặc nhạt màu và mịn. Những mảng này thường có viền màu trắng hoặc màu sáng. Tuy nhiên, chứng lưỡi bản đồ không nguy hiểm, không lây nhiễm, và thường không cần điều trị.
1.4. Viêm gai lưỡi thoáng qua
Viêm gai lưỡi thoáng qua, hay còn được gọi là nhú lưỡi, là tình trạng các nhú trên lưỡi bị sưng hoặc viêm. Khi gặp tình trạng này, bạn có thể thấy lưỡi có các vết sưng nhỏ màu đỏ hoặc trắng, khiến lưỡi trông như bị nổi hạt trắng. Những vết này thường tự biến mất sau vài ngày, không nguy hiểm, và thường không cần điều trị.
1.5. Tưa miệng
Tưa miệng là tình trạng nhiễm nấm bên trong miệng, rất phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ và trẻ em đang đi học. Người bị tưa miệng sẽ xuất hiện đốm sưng màu trắng trên lưỡi và bên trong má. Nếu cạo những đốm trắng này đi, vết sưng có thể chảy máu. Chứng này tuy không dễ lây nhưng vẫn có thể lây sang những người có hệ miễn dịch yếu.
1.6. Lichen phẳng
Lichen phẳng là tình trạng do hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào trong cơ thể mà không rõ nguyên nhân. Chứng này có thể gây kích ứng da và có thể xuất hiện trong miệng. Lichen phẳng ở miệng có thể gây ra các mảng màu trắng, mỏng trên lưỡi hoặc có thể khiến lưỡi xuất hiện vết loét hở hoặc bị sưng tấy.
1.7. Bạch sản
Khi gặp tình trạng bạch sản, khoang miệng có thể xuất hiện các mảng hoặc đốm trắng. Những đốm này có thể xuất hiện ở má trong, bên trên hoặc dưới lưỡi, khiến bạn nhận thấy lưỡi nổi hạt trắng. Những ai mắc bệnh bạch sản có nguy cơ mắc ung thư miệng cao hơn. Tuy nhiên, hầu hết những người mắc bạch sản đều không phát triển thành bệnh ung thư miệng.
1.8. Ung thư lưỡi
Ung thư lưỡi là một loại ung thư hiếm gặp, bắt đầu từ các tế bào ở lưỡi. Dấu hiệu ung thư lưỡi có thể là:
- Lưỡi xuất hiện các mảng màu đỏ hoặc trắng.
- Lưỡi có các vết loét hoặc vết loét hở không tự khỏi.
Tình trạng lưỡi nổi hạt trắng được điều trị ra sao?
Theo các chuyên gia sức khỏe, phương pháp điều trị lưỡi nổi hạt trắng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Dưới đây là một số cách điều trị cho những nguyên nhân thường gặp:
- Loét lạnh: Bạn có thể nhờ dược sĩ tư vấn một số loại thuốc không cần kê đơn để điều trị vết loét lạnh.
- Bạch sản: Chứng này không cần điều trị nhưng bạn có thể gặp nha sĩ để kiểm tra thường xuyên và đảm bảo tình trạng không tiến triển nặng hơn.
- Lichen phẳng ở miệng: Chứng này không cần điều trị. Nếu tình trạng của bạn nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc xịt steroid hoặc nước súc miệng có thuốc steroid.
- Tưa miệng: Bạn có thể điều trị tưa miệng bằng thuốc chống nấm. Thuốc có nhiều dạng như gel, lỏng, viên ngậm hoặc thuốc viên.
Nếu ngoài triệu chứng lưỡi nổi hạt trắng, bạn không có dấu hiệu nguy hiểm nào khác, thì không cần đi thăm khám. Tuy nhiên, bạn cần gặp bác sĩ nếu các hạt trắng trên lưỡi không biến mất sau hai tuần. Ngoài ra, bạn cũng cần đi khám sớm nếu có những triệu chứng nghiêm trọng như đau lưỡi, sưng tấy, khó khăn khi nhai, nuốt hoặc nói chuyện, hoặc các triệu chứng khác như sốt, sụt cân, hoặc phát ban trên da.
Phòng ngừa tình trạng lưỡi nổi hạt trắng
Để phòng ngừa các tác nhân gây lưỡi nổi hạt trắng, bạn cần vệ sinh răng miệng thật tốt. Dưới đây là một số cách bảo vệ sức khỏe răng miệng:
- Sử dụng bàn chải lông mềm và đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày.
- Sử dụng kem đánh răng có fluoride.
- Sử dụng nước súc miệng có fluoride hàng ngày.
- Làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày.
- Tránh dùng thuốc lá và giảm việc uống bia rượu (nếu có thói quen này).
- Xây dựng chế độ ăn uống đa dạng với nhiều trái cây và rau quả tươi.
- Thăm khám với nha sĩ định kỳ mỗi 6 tháng để kiểm tra, làm sạch răng và phát hiện kịp thời các triệu chứng răng miệng bất thường.
Lưỡi nổi hạt trắng là một tình trạng không quá nguy hiểm, nhưng cần được lưu ý và xử lý kịp thời để tránh triệu chứng tiến triển nặng. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra hạt trắng trên lưỡi để có cách điều trị và chăm sóc răng miệng phù hợp.
Nguồn: Nha Khoa Thẩm Mỹ Quốc Tế – Smile Dental | Bọc Răng SỨ