Cắt nướu răng là một thủ thuật nha khoa đơn giản, thường được dùng để cải thiện tình trạng cười hở lợi hoặc viêm nhiễm vùng nướu. Mặc dù vậy, vẫn chưa có nhiều người hiểu rõ về phương pháp cắt lợi này.
Để biết được ưu nhược điểm khi cắt nướu răng là gì, quy trình ra sao, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Cắt nướu răng phương pháp là gì?
Cắt nướu răng là thủ thuật cắt bỏ mô nướu dư thừa hoặc phát triển quá mức. Nha sĩ thường sử dụng phương pháp này để điều trị một số bệnh về nướu. Mặt khác, cắt lợi cũng là một thủ thuật nha khoa thẩm mỹ phổ biến, được sử dụng để khắc phục nụ cười hở lợi do mô nướu bị dư thừa khiến răng trông ngắn và không cân đối.
Nha sĩ có thể chỉ định bạn cắt nướu răng trong những trường hợp sau:
- Viêm nướu
- Viêm nha chu
- Túi nha chu
- Chấn thương nướu
- Niềng răng hoặc sử dụng các dụng cụ chỉnh nha khác
- Răng mọc sai vị trí khiến mô nướu bị dư thừa
- Cười hở lợi.
Trên thực tế, cắt lợi vì lý do thẩm mỹ hoàn toàn không bắt buộc. Bạn chỉ nên cắt nướu thẩm mỹ nếu như rủi ro của phương pháp này thấp hơn những lợi ích mà nó này mang lại. Ngược lại, cắt nướu răng để điều trị bệnh về nướu là điều nên làm để tránh sự tích tụ của mảng bám, vi khuẩn, cao răng… gây hại cho răng.
Đọc thêm
Các hình thức phẫu thuật cắt nướu răng
Hiện nay, có hai hình thức phẫu thuật cắt nướu răng chính:
Ngày nay, phương pháp phẫu thuật cắt nướu răng bằng laser ngày càng phổ biến. Phương pháp này có độ chính xác cao, đồng thời hỗ trợ quá trình lành thương nhanh chóng, giảm nguy cơ nhiễm trùng từ các dụng cụ kim loại chưa được sát khuẩn sạch. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt nướu răng bằng laser thường có giá thành cao hơn cắt lợi bằng dao.
Quy trình cắt nướu răng diễn ra như thế nào?
1. Trước khi phẫu thuật cắt lợi
Thông thường, trước khi cắt nướu răng, bạn không cần phải chuẩn bị gì cả. Nha sĩ sẽ tư vấn cho bạn những điều nên làm và những gì sẽ diễn ra trong quá trình phẫu thuật. Bạn có thể được khuyên đi cùng người thân để có thể hỗ trợ bạn khi cần thiết.
2. Trong quá trình phẫu thuật cắt nướu
Quy trình phẫu thuật cắt nướu răng diễn ra như sau:
- Gây tê: Nha sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc gây tê cục bộ vào nướu để làm tê khu vực đó.
- Loại bỏ mô nướu dư thừa: Nha sĩ sử dụng dao mổ hoặc tia laser để cắt bỏ các mảnh mô nướu dư thừa hoặc phát triển quá mức. Trong quá trình thực hiện, nha sĩ có thể sẽ giữ một dụng cụ hút trong miệng để loại bỏ nước bọt.
- Định hình lại nướu: Sau khi cắt lợi, nha sĩ có thể định hình lại phần nướu để đảm bảo nướu và răng cân xứng với nhau đáp ứng yếu tố thẩm mĩ.
- Định hình lại xương: Trong một số trường hợp, nha sĩ có thể cần phải định hình lại phần xương bên dưới nướu bằng cách rạch một đường nhỏ dọc theo đường viền nướu.
- Khâu vết thương: Đối với phẫu thuật cắt nướu răng bằng dao, nha sĩ sẽ khâu vết mổ lại để ngăn máu chảy ra ngoài. Nếu bạn chọn phẫu thuật cắt nướu bằng laser, bước này có thể được bỏ qua.
- Đặt băng bảo vệ: Sau khi hoàn thành thủ thuật, nha sĩ sẽ đặt một miếng băng phẫu thuật lên vùng vừa cắt để bảo vệ nướu.
Tùy vào lượng mô nướu phải cắt bỏ mà thủ thuật này có thể kéo dài từ 30 – 60 phút.
3. Sau khi phẫu thuật cắt lợi
Cắt nướu răng là một thủ thuật ngoại trú. Do đó, sau khi phẫu thuật, bạn có thể về nhà ngay trong ngày. Nha sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc răng miệng hậu phẫu để bạn cảm thấy thoải mái trong quá trình hồi phục tại nhà.
Bạn có thể quan tâm:
Lợi ích và rủi ro của cắt nướu răng
1. Lợi ích của phương pháp cắt nướu
Phẫu thuật cắt nướu mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như:
- Loại bỏ mô nướu dư thừa hoặc phát triển quá mức
- Khắc phục tình trạng cười hở lợi
- Giảm vi khuẩn có hại trong miệng
- Giảm túi nha chu xung quanh răng
- Hỗ trợ quá trình đánh răng và dùng chỉ nha khoa hiệu quả hơn (vì bạn có thể dễ dàng tiếp cận khu vực nướu răng hơn)
- Hỗ trợ duy trì răng và nướu khỏe mạnh.
2. Rủi ro sau khi cắt lợi
Tương tự các phương pháp phẫu thuật khác, cắt nướu răng cũng có thể gây ra một số rủi ro hậu phẫu, điển hình là:
- Chảy máu hậu phẫu
- Khó chịu nhẹ
- Sưng tấy tại vết thương và khu vực xung quanh
- Răng nhạy cảm hơn
- Có vết bầm.
Những tác dụng phụ này được xem là bình thường và sẽ giảm dần trong vòng 3-4 ngày. Hiếm khi, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng hậu phẫu như:
Hướng dẫn chăm sóc tại nhà sau khi cắt nướu răng
Sau khi cắt nướu, nha sĩ sẽ dặn dò bạn những điều nên và không nên làm ở giai đoạnh hậu phẫu. Bạn nên tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn này, bao gồm:
- Đảm bảo khu vực cắt nướu luôn sạch sẽ: Việc đánh răng sau khi phẫu thuật có thể gây đau, nhưng bạn không nên lảng tránh. Hãy chải răng nhẹ nhàng và ngậm nước muối (không súc miệng) để sát khuẩn vết thương. Đối với những vị trí khác, bạn đánh răng và dùng chỉ nha khoa như bình thường.
- Dùng thuốc theo chỉ định: Nha sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh hoặc giảm đau và bạn nên uống thuốc đúng liều, đúng giờ.
- Chườm lạnh: Bạn có thể chườm một túi nước đá lên mặt tại vị trí phẫu thuật để giảm sưng viêm.
- Ăn thực phẩm mềm: Sau khi phẫu thuật, bạn không nên ăn thực phẩm cứng, giòn trong ít nhất một tuần. Thay vào đó, hãy chọn những thực phẩm mềm như rau luộc, trứng bác, khoai tây nghiền, sữa chua…
- Tránh chạm vào vết thương: Không dùng lưỡi hay tay chạm vào vùng phẫu thuật để tránh gây nhiễm trùng vết thương hoặc khiến vết thương hở ra và chảy máu.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về thủ thuật cắt nướu răng, từ đó có sự lựa chọn và chuẩn bị kỹ càng.